Bệnh Viêm Da Nổi Cục Ở Trâu Bò Và Các Biện Pháp Phòng Tránh, Xử Lý
Cho đến nay, tình hình bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò đã và đang có diễn biến rất phức tạp. Bệnh xâm nhập từ các nước ở khu vực Châu Á vào nước ta, đã làm lây lan cho nhiều tỉnh thành. Tổng số gia súc đã mắc bệnh và phải tiêu hủy lên đến hàng trăm nghìn con. Để giúp bà con, Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền sẽ tư vấn các biện pháp phòng tránh và xử lý loại dịch bệnh này.
Bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò là gì?
Bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò còn được gọi là bệnh viêm da truyền nhiễm hoặc bệnh Da Sần. Bệnh này do một loại virus thuộc họ Poxviridae, chi Capripoxvirus, cùng chi với virus gây bệnh đậu trên dê, cừu gây ra. Vi rút không gây bệnh trên người và những loại vật nuôi khác.
Đường lây truyền chủ yếu qua các loại côn trùng đốt như ve, ruồi, muỗi. Qua tiếp xúc trực tiếp với trâu bò mắc bệnh; qua sử dụng chung máng ăn, máng uống, dụng cụ mang mầm bệnh. Lây truyền qua nhau thai, bê con sinh ra bị tổn thương trên da; bê con đang theo mẹ có thể bị nhiễm bệnh qua sữa hoặc do tổn thương da ở núm vú; lây truyền qua kim tiêm bị ô nhiễm trong quá trình điều trị hoặc trong quá trình tiêm phòng; lây truyền qua đường giao phối tự nhiên hoặc qua thụ tinh nhân tạo. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 4-14 ngày.
Dịch bệnh thường bùng phát theo mùa, chủ yếu vào những tháng mưa ẩm, thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất. Dịch bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại, tỷ lệ chết cao ở bê nghé.
Đặc điểm của bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò
Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 55 độ C trong 2 giờ, 65 độ C trong 30 phút. Virus có thể được hồi phục từ những nốt sần trên da được giữ ở nhiệt độ -80 độ C trong 10 năm và dịch nuôi cấy mô nhiễm virus được bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C trong 6 tháng.
Virus nhạy cảm với môi trường pH kiềm hoặc a xít; có thể tồn tại ở môi trường pH = 6,6 – 8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ 37oC.
Hóa chất sử dụng để diệt virrus viêm da nổi cục bao gồm ether (20%), chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2 – 3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), hợp chất amoni bậc bốn (0,5%) và một số chất tẩy rửa như sodium dodecyl sulphate.
Virus viêm da nổi cục rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô.
Virus nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.
Triệu chứng
Trâu, bò mắc bệnh thường có những biểu hiện: sốt cao, có thể trên 41°C, giảm ăn, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở trâu bò đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt. Xuất hiện các nốt sần có đường kính từ 2 – 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt.
Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển.
Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời, bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng. Một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng mang virus trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.
>> Tìm hiểu ngay: Các Bệnh Thường Gặp Ở Trâu Bò Và Cách Điều Trị Bà Con Cần Biết
Biện pháp phòng tránh và xử lý bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò không có thuốc đặc trị bệnh, có thể sử dụng kháng sinh chữa các triệu chứng thứ phát, biện pháp tốt nhất, quan trọng nhất là tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, tiêu diệt côn trùng vật chủ trung gian truyền lây bệnh.
Biện pháp phòng tránh viêm da nổi cục trâu bò
Chăm sóc nuôi dưỡng tốt và thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn trâu, bò của mình. Đặc biệt là bê, nghé, khi phát hiện những dấu hiệu trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải tách riêng để chăm sóc, đồng thời phải báo ngay cho cơ quan thú y để được kiểm tra hướng dẫn chăm sóc và điều trị kịp thời.
Chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không được bán chạy trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, quét dọn phân và chất độn chuồng, phát quang cây cối, bụi rậm xung quang chuồng nuôi, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, hóa chất diệt côn trùng 02 ngày 01 lần để tiêu diệt ruồi, muỗi, mòng là những vật chủ trung gian truyền lây bệnh chủ yếu.
– Chủ động mua vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục tiêm cho đàn trâu bò: Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò là loại bệnh do vi rus gây ra, do đó tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Đối tượng tiêm: trâu, bò khỏe mạnh từ 04 tháng tuổi trở lên; loại vắc xin sử dụng: Lumpyvac.
– Không mua trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh viêm da nổi cục và từ vùng dịch viêm da nổi cục về nuôi. Tổ chức chăn nuôi trâu bò an toàn, không thả rông trâu bò theo đàn ăn chung. Khi phát hiện trâu bò có triệu chứng mắc bệnh cần cách ly, báo ngay cho lực lượng thú y để xác minh, hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý, phòng chống dịch.
– Tăng cường chăm sóc cho đàn trâu bò: thêm thức ăn tinh, thức ăn xanh, muối, khoáng, vitamin… trong khẩu phần ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng. Định kỳ tẩy giun sán, phòng trị ký sinh trùng đường máu, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo quy định.
– Thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại hàng ngày, định kỳ tiêu độc, khử trùng môi trường, dụng cụ chăn nuôi. Chủ động tiêu diệt các loại mầm bệnh và vật chủ trung gian truyền bệnh: sử dụng các loại hóa chất phun khử trùng như Iodine, Hanlusep,…Các loại hóa chất diệt ruồi, muỗi, ve, mòng như Sakan – Deltarin, Hantox 200, Formaldes, Deltamethrin,…
(Lưu ý đối với thuốc diệt ve mòng, ruồi, muỗi… để đạt hiệu quả cao nên phun vào buổi chiều tối là thời gian chúng hoạt động mạnh nhất).
– Đối với các hộ có trâu, bò bị bệnh, nghi bị bệnh: phun thuốc tiêu độc khử trùng hàng ngày, liên tục trong vòng 21 ngày.
Cách xử lý bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò
Nguyên tắc chung: để tăng hiệu quả điều trị khi trâu, bò mắc bệnh VDNC cần phát hiện sớm, xử lý kịp thời; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức khỏe cho trâu bò; sử dụng kết hợp các loại thuốc tăng sức đề kháng, điều trị triệu chứng và các nguyên nhân nhiễm trùng kế phát.
Khi phát hiện trâu bò mắc bệnh: Sử dụng các loại thuốc trợ sức, trợ lực để tăng cường sức đề kháng cho trâu bò như Glucose, Lactate (tốt nhất truyền được qua đường tĩnh mạch), Vitamin A,D,E; B-Complex; Vitamin C,… để tiêm hoặc hòa vào nước cho uống hàng ngày.
Khi con vật có biểu hiện sốt cao (phát hiện qua cặp nhiệt độ, gương mũi khô, phân táo,…) sử dụng các loại thuốc hạ sốt như Anagin, Paracetamol…
Tiêu đờm, hỗ trợ gia súc dễ thở hơn, tăng cường hoạt động của cơ tim bằng các thuốc như Bromhexin hydroclorid, Cafein,…
Khi trâu bò có hiện tượng viêm, sưng: Sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm có thành phần hoạt chất chính như Ketoject, Dexamethasole Natri phosphat 0,1%, Flunixin, …
Đối với các vết loét do bệnh viêm da nổi cục: Rửa sạch các vết loét ở da, miệng, bầu vú, chân, bụng… bằng các dung dịch như nước muối sinh lý, thuốc tím, cồn Iodine… Sử dụng các loại thuốc kháng sinh chống bội nhiễm kế phát, nhiễm trùng (Nên sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng, thời gian tác dụng kéo dài) như: Amoxyline LA, Kanamycine, Maccavet, Zuprevo 18%, Oxytetraxycline… bôi vào vết loét.
Trường hợp phát hiện trâu bò có triệu chứng, biểu hiện mắc ký sinh trùng đường máu, sử dụng các loại thuốc như Ivermectin, Azidin, tryphazen… (lưu ý không tiêm cho gia súc đang mang thai; trước khi dùng thuốc 10-15 phút nên tiêm cafein hoặc long não để trợ tim, trợ sức).
Căn cứ vào các triệu chứng quan sát được như ho, khó thở, tiêu chảy, chướng hơi, ký sinh trùng đường máu để sử dụng các loại kháng sinh, thuốc an thần, cầm tiêu chảy, điều trị ký sinh trùng đường máu… theo thực tế.
Trường hợp trâu bò mắc bệnh, chết, phải tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh Viêm da nổi cục được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Chăm sóc hộ lý
Cách ly gia súc ốm tại chuồng, giữ chuồng, nền chuồng khô ráo, thoáng mát, lót rơm rạ khô sạch cho gia súc nằm, bổ sung đầy đủ thức ăn xanh non, mềm, dễ tiêu, không nên bổ sung quá nhiều tinh bột ảnh hưởng đến nhu động của dạ cỏ. Đối với bê nghé non cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (nếu bê nghé không tự ăn được phải bơm thức ăn như sữa, cháo gạo loãng qua đường miệng)./.
Tăng cường hộ lý, chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung đầy đủ thức ăn nhất là các loại thức ăn xanh non, mềm, dễ tiêu, đồng thời sử dụng các loại men tiêu hóa; không nên sử dụng quá nhiều tinh bột ảnh hưởng đến nhu động của dạ cỏ.
Đối với bê nghé non thường rất yếu, tổn thương nhiều ở hệ hô hấp. Do vậy, trong chăm sóc cần chú ý đảm bảo đủ ấm, nếu cần có thể “mặc thêm áo” hoặc sưởi ấm cho bê nghé vào mùa đông. Giữ chuồng luôn khô sạch sẽ, cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (nếu bê nghé không tự ăn được phải bơm thức ăn như sữa, cháo gạo loãng qua đường miệng); có thể phải lật con vật thường xuyên và đặt ở tư thế dễ thở.
Đối với trâu bò khi mắc bệnh có thể không đứng vững hoặc nằm bệt nên sử dụng các dụng cụ cố định để gia súc đứng lên (võng) tránh liệt dạ cỏ; có thể phải lật con vật thường xuyên và đặt ở tư thế dễ thở, nếu cần thiết có thể sử dụng Pilocarpin hỗ trợ nhu động dạ cỏ.
Tổng kết
Bà con vừa tham khảo hết bài viết “Bệnh viêm da nổi cục ở trên trâu bò và các biện pháp phòng tránh, xử lý” của chúng tôi. Hi vọng với những thông tin đã chia sẻ sẽ cung cấp cho bà con thêm những kiến thức về bệnh viêm da nổi cục, giúp ích trong việc chăm sóc, chăn nuôi đàn trâu bò của mình.
Hãy theo dõi chuyên trang này của chúng tôi để kịp thời cập nhật những tin tức về trồng trọt, chăn nuôi hữu ích nhất. Mọi câu hỏi, thắc mắc hay góp ý chúng tôi xin vui lòng đón nhận. Cảm ơn bà con, chúc bà con nhiều sức khỏe.!
Nguồn bài viết Bệnh Viêm Da Nổi Cục Ở Trâu Bò Và Các Biện Pháp Phòng Tránh, Xử Lý tại Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền.
source https://thvm.vn/benh-viem-da-noi-cuc-o-trau-bo/
Nhận xét
Đăng nhận xét