Kỹ Thuật Trồng Xoài Ứng Dụng Công Nghệ Cao

Tại nước ta, diện tích Xoài có khoảng 21.000 ha, là loại cây ăn trái đứng hàng thứ 4 sau Chuối, Dứa và cây họ Cam, Quýt. Trái Xoài giàu Vitamin B2, C, nhất là Vitamin A. Về muối khoáng, Xoài có Ca, K, Cl, S….Quả Xoài ngoài ăn tươi còn dùng làm đồ hộp, mứt, nước giải khát, làm rượu, dấm.

Toàn bộ thân, cành Xoài đều được sử dụng. Như vậy, Xoài là cây ăn trái đa dụng mà hiện nay đang có hướng phát triển. Trong bài viết này, Thvm.vn sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng Xoài ứng dụng công nghệ cao để đạt năng suất cao nhất.

I. ĐẶC TÍNH THỰC VẬT HỌC

1. Hệ thống rễ: Xoài có bộ rễ ăn rất sâu và khỏe, nhất là hệ thống rễ cọc. Rễ có thể ăn sâu 5 – 6m nhưng phần lớn tập trung ở tầng đất 0 – 50 cm. Nhờ có hệ thống rễ ăn sâu và phân bố rộng mà cây Xoài được coi là cây có khả năng chịu hạn rất tốt, ở nhiều vùng có thời gian hạn dài tới 4 – 5 tháng cây vẫn phát triển tốt.

2. Thân: Cây Xoài thuộc loại đại mộc sinh trưởng khỏe nên cây to, tán lớn, tán hình bầu dục, hình tháp hoặc hình cầu tùy giống. Thông thường cây cao từ 10 – 15m có đường kính tán tương tự, Xoài ghép thường có chiều cao thấp và có tán rộng so với cây Xoài trồng bằng hạt.

Kỹ thuật trồng xoài cho năng suất cao

3. Lá: Lá đơn, có hình dạng khác nhau tùy giống, dài, thon, bầu….Tuổi thọ của lá có thể đến 3 năm. Tùy tuổi cây, điều kiện khí hậu và chế độ dinh dưỡng cây có thể ra 4 – 5 đợt đọt trong năm. Lá non ra trên các chồi mới, mọc theo chùm, mỗi chùm có từ 7 – 12 lá. Màu sắc lá non là một đặc trưng của giống, có thể lá màu đỏ, tìm hoặc hồng phơn phớt nâu.

4. Hoa: Hoa mọc thành từng chùm ở ngọn cành, trên 1 chùm hoa có cả hoa đực và hoa lưỡng tính. Hoa Xoài thường nhỏ, kích thước khoảng 6 – 8 mm. Trên 1 chùm hoa có rất nhiều hoa. Tỷ lệ hoa lưỡng tính và hoa đực phụ thuộc vào giống, điều kiện khí hậu, cách chăm sóc, thời gian ra hoa, vị trí chùm hoa và nhất là điều kiện dinh dưỡng, cây sinh trưởng khỏe có tỷ lệ hoa lưỡng tính cao hơn cây sinh trưởng yếu.

5. Quả: Thời gian từ hoa nở đến quả chín khoảng 3 – 4 tháng (tùy giống và điều kiện ngoại cảnh).

II. ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ SINH THÁI

1. Thời tiết khí hậu:

1.1 Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình thích hợp cho Xoài là 250C. Nhiệt độ trung bình tối thấp là 210C, vì vậy Xoài thường được trồng từ bình nguyên tới cao độ 600m. Từ 1.000 đến 1.200m Xoài vẫn phát triển tốt nhưng không nên làm các vườn kinh doanh. Trên 420C xoài sinh trưởng phát triển kém.

1.2 Ẩm độ: Xoài thích hợp với những vùng có mùa mưa và mùa khô rõ rệt, trong đó mùa khô phải ít nhất kéo dài tới 3 tháng, mùa mưa không kéo dài quá 7 tháng. Vũ lượng mưa hữu hiệu là 150mm/tháng. Khi có mưa nhiều hoặc sương nhiều lúc trổ bông thì thụ phấn kém. Gió mạnh cũng làm hoa rụng nhiều.

1.3 Ánh sáng: Xoài là cây ưa sáng, nếu trồng dày cây yếu ớt, cành dài và nhỏ, lá mỏng, những cành giáp nhau sẽ không ra trái.

2. Đất đai: Xoài mọc được trên nhiều loại đất, nhưng nên tránh những đất có đá nhiều. Mực thủy cấp sâu 3 – 4m là có lợi. Tuy thế, nhiều giống Xoài chịu úng rất cao như Xoài Bưởi. Độ pH thích hợp từ 5,5 – 7,5. Trên 7,5 sẽ có hiện tượng thiếu sắt và kẽm. Nhiều nông dân trồng Xoài ngay trên đất phèn (pH = 3,5 – 4,5) cây vẫn phát triển được. Như vậy, Xoài là cây nhiệt đới thích ứng khá rộng.

Kỹ thuật trồng xoài

III. GIỐNG VÀ KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG

1. Giống: Ngoài các giống hoang dại (Xoài mủ, Xoài hôi) hiện có khoảng 50 giống Xoài. Trong đó có một số giống được nhập từ nước ngoài (Thái Lan, Ấn Độ) cho năng suất cao và phẩm chất ngon.

Một số giống Xoài triển vọng hiện nay.

1.1 Xoài Cát Hòa Lộc : Trong hội thi cây Xoài giống tốt được xếp hạng 1. Xuất xứ ở Cái Bè (Tiền Giang) và Cái Mơn (Bến Tre). Giống quý trái to, trọng lượng 600 – 700 gram, dạng bầu tròn nơi gần cuống. Thịt vàng, dày cơm, dẻ, không có xơ, hột nhỏ, mỏng, ngọt và hương vị ngon.

1.2 Xoài Cát Chu : Có hai loại Chu Đen và Chu Trắng. Đây là giống Xoài được xếp thứ 2 sau Xoài Cát Hòa Lộc. Đặc điểm: Trọng lượng trái trung bình 550gr (Chu trắng) và 450gr (Chu đen), có cơm dày, hột nhỏ, không xơ, ngọt và hương vị ngon. Đây là giống dễ bị lầm với Xoài Hòa Lộc khi bán ra thị trường.

1.3 Xoài Khiểu Sa Vơi : Giống Xoài Thái Lan đã được nhập về Đồng Nai vài năm nay đã cho trái và chất lượng ngon. Dạng trái dài giống Thanh Ca nhưng tròn hơn vỏ xanh đậm và rất dầy. Trọng lượng trung bình khoảng 300 – 350 gram, trái vừa cứng bao đã có vị ngọt, thị trường TPHCM đã chấp nhận giống này với giá khá cao.

1.4 Xoài ĐT – X15 : Giống Xoài xanh của Thái Lan, có chất lượng ngon, đang được thị trường TPHCM ưa chuộng. Tỉ lệ đậu trái cao, cây 5 tuổi cho 60 – 70 kg/cây. Trọng lượng trung bình 350 – 400 gr/trái. Trái tròn dài, hơi cong ở phần đuôi, vỏ xanh đậm, trái có thể ăn xanh và ăn chín, chất lượng cao.

2. Kỹ thuật nhân giống

Một trong số những kỹ thuật quan trọng nhất của kỹ thuật trồng xoài chính là kỹ thuật nhân giống. Cây trồng bằng hột chậm cho trái (6 – 8 năm) có khi 10 năm (trừ Xoài Bưởi 3 năm cho trái).

2.1 Nhân bằng hột. Hột đem về trồng nên gieo ngay, đặt nghiêng phần lưng quay lên trên để rễ dễ mọc. Cây có 4 lá xanh được đưa lên liếp giâm, khoảng cách 30 – 60 để làm gốc ghép,có thể vô bầu hay bội (giỏ tre) có đường kính 15 – 20cm, cao20 – 25cm. Sau 1 – 2 tháng đem trồng.

Kỹ thuật nhân giống xoài

2.2 Phương pháp ghép. Xoài là cây khó ra rễ nên phương pháp chiết không phổ biến. Ngày nay, Xoài thường được áp dụng phương pháp ghép thay cho ương hột vì cây mọc nhanh cho trái tốt.

Chuẩn bị mầm ghép: Thu thập từ vườn cây đầu dòng đã được cơ quan chức năng xác nhận, chọn từ cây cho nhiều trái, có phẩm chất ngon. Chọn nhánh tốt, ngắt bỏ lá 1 – 2 tuần trước khi lấy mầm để có mầm mạnh. Nhánh mang mầm nếu chở đi xa phải giữ ẩm để bảo quản. Khi ghép cành nên chọn cành da còn xanh, mọc mạnh, dễ tróc vỏ khi tách.

Cây làm gốc ghép: – Đường kính gốc > 1 cm (ngay tại vị trí ghép).

– Chiều cao cây > 50 cm ( tính từ mặt bầu cây); cây có trên 3 – 4 tầng lá.

– Kích thước bầu đất 15 x 25 cm ( phần thể tích nuôi cây giống).

– Tiêu chuẩn cây giống đem đi trồng:

– Cây phải đúng giống, khỏe mạnh sạch bệnh và không có dấu hiệu phá hoại của côn trùng.

– Thân thẳng, lá xanh tốt, bộ rễ phát triển tốt.

– Vị trí ghép cách gốc 15 – 20 cm.

– Chiều cao 50 – 70 cm (tính từ mặt bầu); cây có trên 2 tầng lá

IV. KỸ THUẬT TRỒNG XOÀI

1. Thiết kế vườn trồng: Thiết kế vườn xoài phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Thoát nước tốt trong mùa mưa.

– Hạn chế và ngăn chận các sâu bệnh hại xâm nhiễm từ bên ngoài.

– Chống xói mòn để giữ độ phì cho đất.

– Đảm bảo vườn thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại.

Tuỳ theo địa hình đất cao hay thấp để bố trí bề rộng, bề sâu của mương để thoát nước cho phù hợp: Mương phụ: rộng 0,3 -0,4 m; sâu 0,3-0,4m. Mương chính: rộng 0,5-0,8m; sâu: 0,5-0,7m.

2. Thời vụ: Trồng đầu mùa mưa, tháng 5 – 7 dương lịch để có đủ nước tưới trong giai đoạn đầu, nếu có thể chủ động nước tưới có thể trồng bất cứ lúc nào.

3. Cách trồng: Đào hố có kích thước 60 x 60 x 60 cm (Chú ý để riêng các lớp đất mặt khi đào). Mỗi hố trộn từ 30 đến 50 kg phân hữu cơ ( phân chuồng, phân rác) đã hoai mục + 0,5 kg vôi bột + 0,5 kg Lân Super + 1 muỗng cà phê phèn xanh vào lớp đất mặt, sau đó cho tất cả hỗn hợp này xuống hố và để từ 20 đến 30 ngày mới trồng. Khi trồng trộn thêm 2 kg hữu cơ vi sinh /gốc.

4. Khoảng cách trồng: Tùy giống và độ màu mỡ của đất, thường trồng khoảng cách 6 x 6 m. Xoài trồng gốc ghép khoảng cách 8 – 9 m, trồng theo hình vuông hay hình nanh sấu. Xoài Bưởi có thể gần hơn ( 6 – 7 m) vì cây nhỏ, tán đẹp, đối với các giống Xoài: Khiêu xa vơi, ĐT – X15 có thể trồng mật độ 3 x3m và tạo tán thường xuyên trong năm. Ở vùng đất cao như Đồng Nai có thể trồng thưa, cây cho tán lớn và tuổi thọ cao hơn.

5. Bón phân

5.1 Giai đoạn cây tơ: Bón hàng năm khoảng100 -150 gr/gốc/lần phân NPK 20-20-15+TE. Cây con năm đầu tiên nên pha phân với nước tưới vào gốc định kỳ 2 tháng/lần.

5.2 Giai đoạn cây lớn: Khi cây đã cho trái, phân bón là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến hiện tượng ra trái cách niên của cây Xoài mà bà con nông dân ít chú trọng. Thông thường sau năm cho năng suất cao, Xoài sẽ ra hoa ít, do đó cây sẽ thất mùa vì chất dinh dưỡng đã cạn kiệt mà không được bồi dưỡng. Hiện tượng cách niên của cây Xoài đã được xác định là do chế độ bón phân, chăm sóc không đầy đủ.

5.3 Nguyên tắc bón phân cho Xoài:

– Gia tăng lượng phân sau vụ thu hoạch (vào năm trúng mùa) để đủ sức nuôi trái cho năm sau.

– Trên đất tốt màu mỡ cây có nhiều lá không nên bón nhiều đạm.

– Ở một số giống Xoài khi bón nhiều Urea, Kali còn bị nứt trái, trái có vị chát. Trường hợp này nên bón thêm vôi hay CaSO4, hoặc phun Ca(NO3)2.

– Cắt tỉa cành: Cắt bỏ các cành bị sâu bệnh và cành vượt để tránh lây lan và hại cây.

Kỹ thuật trồng xoài công nghệ cao

6. Tỉa cành, tạo tán.

6.1 Tạo tán: Xoài là cây ra hoa ở đầu cành nên việc tạo cho cây có bộ tán tròn đều nhận ánh sáng từ mọi phía sẽ thuận lợi cho việc ra hoa đậu trái sau này. Khi cây có chiều cao 1m, cắt chỉ để lại chiều cao khoảng 0,8 m, cây phát triển 5 – 7 cành mới, chỉ để lại 3 cành khung, tỏa đều 3 hướng, đó là cành cấp I.

Khi cành cấp I dài 0,5 – 0,8m, tỉa chỉ để lại 3 cành, đó là cành cấp II. Từ cành cấp II tỉa và chỉ để lại 3 cành cấp III. Sau đó ngưng tỉa để cho cây phát triển tự nhiên, lúc này cây sẽ có bộ khung vững chắc, tán sẽ phát triển theo dạng tròn sau này.

6.2 Tỉa cành: Hàng năm sau khi thu hoạch nên tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành khuất trong tán, cành mất cân đối, để cây thông thoáng, biện pháp tỉa cành cần làm sớm ngay khi thu trái để lá mau thành thục dễ dàng cho việc xử lý ra hoa.

7. Xử lý ra hoa

7.1 Các biện pháp canh tác hỗ trợ. 7.1.1 Tỉa cành: ( Như mục tỉa cành, tạo tán) 7.1.2 Bón phân: Tùy tuổi cây, năng suất vụ trước, giống Xoài để có lượng phân bón phù hợp: Lượng phân: Khi xoài đang cho trái, lượng phân bón như sau:

Ghi chú: có thể thay phân đơn bằng phân tổng hợp, nhưng chất lượng không thay đổi Loại phân bón : Tùy giai đoạn sinh trưởng của cây để có loại phân bón phù hợp.

Thời điểm bón : – Sau thu hoạch bón toàn bộ phân hữu cơ theo hốc, … rồi lấp đất lại.

Lần 1 : Bón ngay sau đợt tỉa cành lần 1 : Bón 60% lượng Đạm (1,3kg)+0,8 kg lân + 40% lượng Kali (0,6kg). Có thể thay phân đơn bằng các loại phân hỗn hợp như: NPK 20-20-15

Lần 2: Bón vào ngay trước thời điểm ra hoa: 1,0 kg lân + 30% lượng Kali (0,6kg)( thời điểm này không được bón đạm). Có thể bón phân AT2.

Lần 3: Bón 3 tuần sau khi đậu trái : 20% lượng đạm (0,44kg)+ 0,4 kg lân + 15% lượng Kali (0,2kg). Có thể bón phân hỗn hợp NPK 20:20:15.

Lần 4 : Bón lúc Xoài đậu trái được 8 đến 10 tuần, bón hết lượng phân còn lại (0,46kg Urê + 0,2 kg Kali). Để tăng chất lượng của trái Xoài và giảm hiện tượng thúi đít trái, nên bổ sung phân Calcinitrate ( Ca(NO3)2 : Ure sữa).

* Chú ý: Những lần bón trên đều được hòa tan vô bồn và bón theo hệ thống tưới tiết kiệm nước để tăng hiệu quả của phân bón và năng suất.

7.2 Biện pháp xử lý ra hoa.

7.2.1 Thời điểm xử lý :

– Nên tạo cho Xoài ra lá đồng loạt bằng các biện pháp đã nói ở phần trên.

– Tưới thuốc vào gốc khi đọt Xoài đồng loạt ra lá non (Cơi đọt có màu đồng).

– Vị trí tưới thuốc : Cách gốc cây 0,5-1m

7.2.1 Liều lượng tưới thuốc :

+ Đối với Xoài Cát Hòa Lộc : 1,5 gram ai/1 m đường kính tán.

+ Đối với các loại Xoài khác : 1,0 gram ai/1 m đưỡng kính tán.

– Loại thuốc : dùng các loại thuốc có hoạt chất Paclobutazol như :Cultar, Paclomex….

-Giữ ẩm gốc cây sau khi tưới thuốc.

Lưu ý: Cách 2-3 năm xử lý trái vụ 1 lần, nếu xử lý liên tục cây sẽ bị kiệt sức có thể không ra trái.

8. Tăng đậu trái: Hoa Xoài gồm có hoa lưỡng tính và hoa đực. Hoa lưỡng tính ít và biến động nên tỉ lệ đậu trái của hoa Xoài nói chung là thấp, tỷ lệ hoa lưỡng tính còn phụ thuộc vào diều kiện ngoại cảnh. Sự rụng trái của Xoài có rất nhiều nguyên nhân: sâu bệnh, thời tiết, dinh dưỡng, nước.

Có thể do yếu tố bên trong di truyền của giống….Để bảo đảm năng suất Xoài, biện pháp hữu hiệu là tăng tỷ lệ đậu trái, hạn chế rụng trái non (bằng các biện pháp phun thuốc chống rụng trái). Xoài non từ 2 – 7 tuần sau khi trổ hoa thường dễ rụng trái do những nguyên nhân nêu trên.

Do đó cần tác động các biện pháp kỹ thuật trồng trọt như bón phân sau những năm trúng mùa, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh giữ cho bộ lá và cây khỏe. Tưới nước : Xoài ra hoa vào mùa khô ( tháng 12 – tháng 1 năm sau) nên tưới nước đầy đủ từ 7 – 10 ngày/lần để giảm rụng trái và tăng kích thứơc trái. Thời gian tưới ít nhất là 7 tuần từ khi hoa trổ.

9. Tỉa trái: Để trái Xoài có được độ đồng đều cao, sau khi Xoài đã rụng sinh lý lần 2 chúng ta tiến hành tỉa phối hợp với bao trái. Tuỳ từng giống Xoài và nhu cầu thị trường (bán những gía thị trường cần) để tỉa traí cho phù hợp. Đối với giống Xoài Khiêu xa vơi và ĐT – X15 thường có đặc tính tự lựa trái. Riêng Xoài ghép chỉ nên để 3 trái/chùm.

10. Phương pháp tưới tiết kiệm: Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất Xoài, chúng ta nên áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm cho cây Xoài:

Ưu điểm: Tiết kiệm lượng nước tưới Tiết kiệm dầu tưới Tiết kiệm công tưới Tiết kiệm công làm bồn Tăng hiệu quả của việc bón phân Tăng năng suất và chất lượng trái

Chú thích: Căn cứ vào hướng dẫn các đợt bón phân trong quy trình kỹ thuật, mỗi đợt lượng phân bón được hệ thống tưới 3 – 4 lần mỗi lần cách nhau 7 ngày, chia nhỏ lượng phân ra các lần bón như thế sẽ góp phần giảm thất thóat phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng.

Pha phân: Khi bón phân cho cây, phân bón được ngâm trước 1 ngày, thường xuyên khuấy đều khi ngân phân để hòa tan hoàn toàn lượng phân cần tưới vào bồn dung dịch phân (không nên sử dụng các loại phân khó tan).

Nguyên tắc hoạt động:

– Khi vận hành máy bơm, dưới lực hút của máy nước từ giếng và dung dịch phân trong bồn chứa sẽ được hút vào máy bơm và được khuấy đều trong hệ thống và ra các vị trí tưới cho cây. Chúng ta có thể thay đổi lượng phân bón trước khi đi vào trong máy bằng khóa điều chỉnh.

– Từ máy bơm, một lượng lớn nước chứa phân được đưa đến bộ lọc (tránh nghẹt bét) rồi đến ống cấp 1. Nếu nước trong bồn bị cạn hệ thống sẽ ngưng hoạt động.

– Từ ống cấp 1 nước chứa phân được đưa đến các ống cấp 2, rồi đến ống cấp 3 tưới vào từng gốc cây.

– Ống cấp 2 được đặt dọc theo các hàng cây, trên các ống cấp 2 này chúng ta lắp đặt hệ thống van điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước vì nơi gần máy bơm áp lực và lưu lượng nước cao hơn những nơi cách xa máy bơm.

Ngoài ra các van này cũng rất quan trọng để điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước cho những vùng có địa hình không đồng đều, đồi dốc…

11. Phủ đất: Có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện mưa nhiều, đất đai có độ dốc. Mặt khác trong mùa khô thảm phủ đất cũng góp phần giảm sự bốc thóat hơi nước trên lớp đất mặt. Giữ ẩm trong mùa nắng bằng rơm rạ khô và cách gốc khoảng 20cm.

Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển đồng thời khi rơm rạ phân hủy sẽ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng đáng kể. Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên trồng cây phủ đất để tránh bị xói mịn đất. Trong khoảng thời gian từ năm 1 đến năm thứ 4 có thể trồng xen canh với một số loại cây họ đậu, bắp, rau màu, một số nơi có thể trồng một số loại cỏ để chăn nuôi bị.

Thu nhập từ các loại cây này góp phần rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư cho sản xuất. Trong điều kiện không trồng các loại cây kể trên thì vườn có thể trồng các loại cỏ phủ đất như cỏ lá gừng, hay các loài cỏ họ đậu thấp cây khác.

Trên đây là tất cả những kỹ thuật trồng xoài ứng dụng công nghệ cao mà chúng tôi muốn hướng dẫn bà con. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp được con dễ dàng thuận lợi trong việc trồng những giống xoài ngon và đạt năng suất cao. Chúc bà con thành công!

>> Tham khảo thêm về: Kỹ thuật trồng Dưa Lê

The post Kỹ Thuật Trồng Xoài Ứng Dụng Công Nghệ Cao appeared first on Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền.



source https://thvm.vn/ky-thuat-trong-xoai-cong-nghe-cao/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

About Cong Thong Tin Thuong Hieu Vung Mien

Ngành Luật kinh tế thi khối nào? Bao gồm những tổ hợp môn gì?

Tổng hợp các kích thước bồn rửa chén phổ biến theo tiêu chuẩn