Hà Giang: Trồng cây dược liệu giá trị cao giúp người dân làm giàu

Hà Giang là một tỉnh miền núi phía bắc có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển các mô hình rừng nhiệt đới. Những giống cây dược liệu đầu tiên được trồng thử nghiệm tại Hà Giang như: thảo quả, hương thảo, ấu tẩu, giảo cổ lam, atiso, bạch chỉ… đã sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng Cao nguyên đá. Chính vì vậy, việc trồng cây dược liệu có giá trị cao đã giúp người dân nơi đây làm giàu và thay đổi cuộc sống.

Chiến lược trồng cây dược liệu của tỉnh Hà Giang

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng cao của thị trường, tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp linh hoạt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến từ cây dược liệu. Tỉnh Hà Giang đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị nhằm giới thiệu sâu rộng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân về tầm quan trọng và tiềm năng của cây dược liệu.

Thông qua các cuộc hội nghị như: Hội nghị xúc tiến phát triển vùng rau hoa, dược liệu của tỉnh; Hội thảo phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông bắc và Tây bắc; Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang thành vùng trọng điểm; Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp dược liệu tại Hà Giang để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và phát triển vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Trồng cây dược liệu

Thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã linh hoạt trong việc giao mặt bằng và đất sạch cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết.

Nhờ vậy tỉnh Hà Giang đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Công ty Cổ phần thương mại phát triển nông – lâm nghiệp Bình Minh 3; Công ty Cổ phần Nam Dược; Công ty Cổ phần phát triển dược liệu ANVY; Công ty TNHH MTV Dược khoa; Công ty Cổ phần Dược y tế và thương mại Bảo Châu.

Sau quá trình triển khai, chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã thu được kết quả khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế ổn định và bền vững, giúp người dân trên địa bàn tỉnh xòa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Bảo tồn và khai thác hiệu quả cây dược liệu tỉnh Hà Giang

Qua số liệu khảo sát cho thấy, các loài cây dược liệu ở tỉnh Hà Giang rất phong phú và đa dạng, lên tới 1.101 loài thực vật, trong đó có khoảng 51 loài thuộc danh sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng. Chính vì vậy, để khai thác một cách có hiệu quả cao về kinh tế, đồng thời bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm, và hướng tới trở thành vùng sản xuất chủ đạo các loại dược liệu, tỉnh Hà Giang đã triển khai Đề án Phát triển cây dược liệu giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, vùng trồng cây dược liệu của tỉnh Hà Giang với quy mô 12.581 ha, trong đó diện tích trồng mới là 5.180 ha. Sau hơn 8 năm triển khai Đề án Phát triển cây dược liệu, tính đến hết quý I/2020, diện tích trồng của tỉnh Hà Giang được mở rộng, đạt 9.400 ha, gồm các cây dược liệu như: Atiso, đương quy, bạch chỉ, ý dĩ, thảo quả, ấu tẩu, đan sâm, giảo cổ lam, sinh địa…

Trong đó, Công ty Cổ phần phát triển nông – lâm nghiệp Bình Minh 3 trồng được 49 ha tại các huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần gồm: cây Đương quy, Lão quan thao, Kỷ tử, Cát cánh, Tục đoạn, Xuyên khung, Thiên niên kiện; Công ty Cổ phần ANVY trồng được 4 ha gồm các loại cây: Bạch truật, Sinh địa, Ngưu tất; Công ty TNHH MTV Dược khoa liên kết với các HTX trồng được trên 20 ha cây: Actiso, Đương quy, Bạch chỉ, Khoai nưa, Y dĩ; nhân dân tự thực hiện được trên 1.298 ha cây: Thảo quả, Hương thảo, Quế, Hoa hồi, Hoa hòe, Đinh lăng, Óc chó, Ấu tẩu…

Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và chính sách đẩy mạnh phát triển vùng trồng dược liệu Hà Giang trở thành trung tâm dược liệu quốc gia, tỉnh Hà Giang đã thực hiện quản lý 8 đề tài, dự án về dược liệu cấp tỉnh và đặt hàng 04 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi về dược liệu. Bên cạnh đó, tỉnh còn phối hợp với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức nghiên cứu trồng, chế biến một số cây thuốc quý nhằm tạo nguồn dược liệu có giá kinh tế và ứng dụng cao trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe con người.

Qua quá trình thử nghiệm và phát triển, tỉnh Hà Giang đã hoàn thiện và ban hành quy trình tạm thời trồng trọt và thu hái dược liệu theo hướng GACP-WHO đối với 05 loại dược liệu, gồm: Ý dĩ, đương quy, Atiso, đan sâm, ngưu tất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành 20 quy trình sản xuất giống và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu.

Các doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Dược khoa; Công ty Cổ phần Nam Dược; Công ty Cổ phần phát triển dược liệu ANVY, Công ty TNHH Y học Bản địa, Tập đoàn TH trumilk, Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng… đã sản xuất và đưa ra thị trường nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm làm đẹp từ cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Với mục tiêu khai thác đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên quý hiếm, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh ở huyện Quản Bạ. Nhiệm vụ của Trung tâm là nghiên cứu nhằm sản xuất các loại thuốc tân dược từ nguồn dược liệu khai thác tự nhiên và gieo trồng của tỉnh.

Song song với đó, tỉnh phối hợp với Trung tâm ban hành danh mục các chủng, loài dược liệu quý hiếm và bổ sung các chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong quá trình phát triển cây dược liệu. Tỉnh cũng đẩy nhanh quá trình giao đất cho các dự án phát triển trồng cây dược liệu.

Để khai thác cây dược liệu trên địa bàn tỉnh một cách có hiệu quả và bền vững, hài hòa giữa lợi ích của tỉnh, doanh nghiệp và người dân đối với tiềm năng dược liệu của tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng trang thông tin điện tử riêng cho dược liệu Hà Giang. Nội dung của trang nhằm giới thiệu quảng bá tiềm năng dược liệu của tỉnh, có chính sách mời gọi các nhà khoa học viết bài về dược liệu của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai sớm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vào đầu tư trồng vùng nguyên liệu và gắn với đầu tư nhà máy chế biến sâu (bao gồm: hỗ trợ 30% tiền thuê đất trồng vùng nguyên liệu, tối đa 100 ha, trong thời gian 5 năm đầu. Hỗ trợ 5 tỷ đồng/nhà máy chế biến sâu có vùng nguyên liệu).

Ngoài ra, tỉnh có chính sách đặc thù hỗ trợ giải phóng mặt bằng để Công ty DK Phama đầu tư dự án Vườn bảo tồn và sản xuất trồng cây dược liệu. Đặc biệt, du dịch sinh thái đang là một hướng đi có hiệu quả, tỉnh Hà Giang cũng sẽ xây dựng Bản đồ dược liệu liên kết với Bản đồ du lịch của tỉnh.

Để trở thành trung tâm dược liệu quốc gia, tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp, HTX vào phát triển trồng cây dược liệu. Vì vậy, tỉnh Hà Giang luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dược liệu.

UBND tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố đã ký kết nhiều nội dung nhằm đưa lĩnh vực dược liệu của tỉnh phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Với những việc làm cụ thể, tỉnh Hà Giang cho thấy sự quyết liệt, quyết tâm rất lớn đối với chương trình trọng tâm “Phát triển dược liệu, gắn với xóa đói, giảm nghèo”.

Tỉnh luôn tạo điều kiện cho bà con trồng cây dược liệu trên chính mảnh đất quê hương. Với những bước đi đúng đắn và lợi thế sẵn có thì việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ thành công.

The post Hà Giang: Trồng cây dược liệu giá trị cao giúp người dân làm giàu appeared first on Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền.



source https://thvm.vn/trong-cay-duoc-lieu/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

About Cong Thong Tin Thuong Hieu Vung Mien

Ngành Luật kinh tế thi khối nào? Bao gồm những tổ hợp môn gì?

Tổng hợp các kích thước bồn rửa chén phổ biến theo tiêu chuẩn